LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG - GIÁ TRỊ VĂN HÓA TINH THẦN
Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Người Việt Nam từ hàng ngàn đời nay với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn". Lễ hội là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu đó của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị "Thần" - những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Lễ hội còn thể hiện sức mạnh cộng đồng địa phương theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi dân gian, giải trí...
Trên địa bàn phường có một số di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh, tiêu biểu như đình Tiền Túc (còn gọi là đình Cửa Tiền), nằm trên phố Quang Trung, được xây dựng vào thế kỷ XIX. Đình Tiền Túc còn lưu giữ được Sắc phong từ triều nhà Nguyễn thờ "Nam Thiên Thánh Tổ", thờ vọng Đức Thánh Tản.
Đình Tiền Túc không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa quý giá của cha ông để lại mà còn là một di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến, ghi lại những chiến công thầm lặng của nhân dân khu phố Quang Trung trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Đế Quốc Mỹ. Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây được chọn làm trụ sở chỉ huy của Tự vệ Thành Sơn Tây. Những năm chống chiến tranh phá hoại do Đế Quốc Mỹ gây ra, kho vũ khí của nhà máy Q51 đã được đặt tại đây và được bảo vệ vẹn toàn. Trong giai đoạn hiện nay Đình là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ nối tiếp. Hàng năm, đình Tiền Túc mở hội vào ngày 20 tháng 02 (âm lịch).
Nói đến các di tích được xếp hạng cấp tỉnh thì không thể thiếu Đình Thuần Nghệ - Xưa Thuần Nghệ là làng nằm trong vành đai của "Núi Tản Sông Đà" là vùng nằm trong bộ Văn Lang, bộ trung tâm của nhà nước Văn Lang thời kỳ các Vua Hùng dựng nước cách đây hơn bốn nghìn năm lịch sử. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, thiên nhiên, hiện nay làng Thuần Nghệ còn giữ được một công trình kiến trúc tương đối cổ là đình Thuần Nghệ. Đình được xây dựng từ rất lâu để thờ thành hoàng làng là Tam Vị Đức thánh Tản - một trong những vị anh hùng khai sáng ở buổi bình minh của lịch sử dân tộc, người có công lao trong đánh giặc giữ nước, trị thủy và dạy dân trồng lúa. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì đình Thuần Nghệ được xây dựng từ lâu đời với kiến trúc bề thế. Theo kiến trúc chữ Đinh: có Hậu cung, Tiền tế, tả hữu mạc, riêng Tiền tế có sàn gỗ cao 60cm. Nhưng do thiên nhiên khốc liệt và nhiều biến cố lịch sử nên hiện nay kiến trúc không còn nguyên vẹn như xưa, chỉ còn lại tòa Hậu cung là mang dáng dấp kiến trúc cũ. Hàng năm, đình Thuần Nghệ mở hội vào ngày 02 tháng 02 (âm lịch).
Ngoài ra, trên phố Phùng Khắc Khoan còn có đình Cửa Tả thờ vọng Đức thánh Tản, hàng năm mở hội vào ngày 10 tháng 02 (âm lịch). Đình Tả Hùng nằm trên phố Hoàng Diệu thờ vọng Đức thánh Tản, mở hội hàng năm vào ngày 09 tháng 02 (âm lịch).
Giai đoạn chuẩn bị cho mùa lễ hội đã được tiến hành ngay sau khi lễ hội năm trước kết thúc, mọi khâu chuẩn bị đã có sự phân công, cắt cử mọi việc để đón mùa lễ hội mới. Lễ hội truyền thống là để tiếp tục phát huy giữ gìn những giá trị văn hóa, tâm linh, thỏa mãn tinh thần hướng thiện của người dân. Nét đẹp văn hóa này mãi mãi trường tồn để chúng ta nhận thấy những giá trị văn hóa được đúc kết từ những tinh hoa trong cuộc sống của các thế hệ là vô giá và không bao giờ mất đi được do đó cần tiếp tục duy trì trong cộng đồng dân cư. Đoàn kết, cởi mở, sáng tạo, chia sẻ cùng chung tay để xây dựng phường Quang Trung văn minh, giàu đẹp với những con người thân thiện, nghĩa tình.