LỄ HỘI ĐÌNH THUẦN NGHỆ XUÂN GIÁP THÌN NĂM 2024 NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DÂN SƠN TÂY - XỨ ĐOÀI
Trong 03 ngày từ ngày 09/3 đến ngày 12/3/2024 (tức ngày 01/02 đến ngày 03/3 năm Giáp Thìn) tại Tổ dân phố Thuần Nghệ tổ chức Lễ hội truyền thống Đình Thuần Nghệ Xuân Giáp Thìn năm 2024. Về dự Lễ hội có ông Lê Đại Thăng - Ủy viên BTV Thị ủy - Phó Chủ tịch UBND thị xã cùng các phòng ban chuyên môn của Thị xã và vui mừng được đón tiếp Giáo sư nhà sử học Lê Văn Lan tham dự Lễ hội. Đại biểu phường Quang Trung có ông Nguyễn Đình Lâm - Thị ủy viên - Bí thư Đảng ủy phường Quang Trung, cùng các ông bà Thường trực Đảng ủy, Lãnh đạo UBND, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể của phường; Các đại biểu xã phường, các Đình bạn và các đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn phường cùng toàn thể Nhân dân và du khách thập phương.
Đôi nét về Lễ truyền thống Đình Thuần Nghệ, xưa Thuần Nghệ là làng nằm trong vành đai của "Núi Tản Sông Đà" là vùng nằm trong bộ Văn Lang, bộ trung tâm của nhà nước Văn Lang thời kỳ các Vua Hùng dựng nước cách đây hơn bốn nghìn năm lịch sử. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, thiên nhiên, hiện nay làng Thuần Nghệ còn giữ được một công trình kiến trúc tương đối cổ là đình Thuần Nghệ. Đình được xây dựng từ rất lâu để thờ thành hoàng làng là Tam Vị Đức thánh Tản - một trong những vị anh hùng khai sáng ở buổi bình minh của lịch sử dân tộc, người có công lao trong đánh giặc giữ nước, trị thủy và dạy dân trồng lúa. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì đình Thuần Nghệ được xây dựng từ lâu đời với kiến trúc bề thế. Theo kiến trúc chữ Đinh: có Hậu cung, Tiền tế, tả hữu mạc, riêng Tiền tế có sàn gỗ cao 60cm. Nhưng do thiên nhiên khốc liệt và nhiều biến cố lịch sử nên hiện nay kiến trúc không còn nguyên vẹn như xưa, chỉ còn lại tòa Hậu cung là mang dáng dấp kiến trúc cũ.Di tích Đình Thuần Nghệ được xếp hạng cấp Tỉnh Hà Tây năm 2003.
Lễ hội truyền thống của Đình Thuần Nghệ diễn ra từ ngày 01/2 đến ngày 03/02 âm lịch, trong đó ngày mùng 2/2 âm lịch là chính tiệc. Phần Lễ được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống và Nhân dân phấn khởi vui mừng trước bài cẩn cáo của Giáo sư sử học Lê Văn Lan cầu cho sự nghiệp - khát vọng - phát triển của tất cả người dân; ngoài phần Lễ là phần Hội với các hoạt động trò chơi dân gian gồm bịt mắt bắt vịt, đập nồi đập niêu, thi nấu cơm niêu, thi kéo co nhảy bao bố, nhảy sạp, đêm liên hoan văn nghệ; các giải thi đấu cầu lông, đá cầu được diễn ra xuyên suốt trong 03 ngày tổ chức lễ hội.
Thành công của Lễ hội góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lao động, sản xuất, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ hội: