MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ TUYỂN DỤNG, NÂNG NGẠCH, BỔ NHIỆM CÔNG CHỨC

21/10/2024
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; trong đó, một số điểm mới của Nghị định số 116/2024/NĐ-CP như sau:

1. Sửa đổi căn cứ tuyển dụng công chức

Tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi khoản 2 Điều 3 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP: cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức xác định số lượng biên chế cần tuyển ở từng vị trí việc làm, trong đó xác định cụ thể vị trí việc làm được tuyển dụng chung cho nhiều cơ quan sử dụng công chức khác nhau (nếu có).

1. Bổ sung đối tượng được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng công chức

Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP bổ sung điểm d vào khoản 1 Điều 5 Nghị định 138/2020/NĐ-CP đối tượng được cổng điểm ưu tiên trong tuyển dụng công chức: “Cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, trong phong trào công nhân theo quy định của cấp có thẩm quyền được cộng 1,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2”.

2. Sửa đổi quy định về hình thức, nội dung và thời gian thi thi tuyển công chức và quy định các trường hợp miễn thi ngoại ngữ

a) Tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về hình thức, nội dung và thời gian thi công chức gồm:

+ Vòng 1 - Thi trắc nghiệm trên máy vi tính, nội dung thi gồm 02 phần: Kiến thức chung (thời gian thi 60 phút); Ngoại ngữ theo yêu cầu về ngoại ngữ dự thi đối với từng vị trí việc làm (Thời gian thi 30 phút); đối với vị trí việc làm không yêu cầu trình độ ngoại ngữ thì không phải tổ chức thi ngoại ngữ. Trường hợp đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo quy định tại Nghị định 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02 năm 2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức mà kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức còn trong thời hạn tính đến ngày hết thời hạn nhận Phiếu đăng ký dự tuyển và đáp ứng yêu cầu về thang điểm theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Nghị định 116/2024/NĐ-CP (nếu có) thì không phải dự thi vòng 1 quy định tại khoản này.

+ Vòng 2 - Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành, hình thức thi viết hoặc kết hợp viết và phỏng vấn. Đối với bài thi viết (thời gian thi 180 phút), căn cứ vào đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có thể tổ chức thi viết bằng hình thức thi trên máy vi tính, đồng thời quyết định số lượng câu hỏi phù hợp, bảo đảm số lượng tối thiểu 60 câu, tối đa 120 câu (theo hình thức câu hỏi trắc nghiệm); thời gian thi tương ứng với tổng số câu hỏi, bảo đảm tối thiểu là 90 phút, tối đa là 180 phút. Trường hợp thi viết bằng hình thức thi trên máy vi tính thì Hội đồng tuyển dụng (Ban đề thi) xây dựng các nhóm câu hỏi có mức độ phức tạp khác nhau và quyết định mức điểm tương ứng với từng câu hỏi. Đối với bài thi phỏng vấn (thời gian tối đa 30 phút). Trường hợp lựa chọn hình thức thi kết hợp viết và phỏng vấn thì tổng điểm bài thi viết và bài thi phỏng vấn được quy đổi về thang điểm 100 theo tỷ lệ điểm của bài thi viết là 70%, của bài thi phỏng vấn là 30%. Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì Hội đồng tuyển dụng phải tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có yêu cầu đặc thù cao hơn về nội dung, thời gian thi môn nghiệp vụ chuyên ngành so với quy định tại khoản này thì phải xác định cụ thể trong Kế hoạch tuyển dụng.

b) Nghị định 116/2024/NĐ-CP đã sửa đổi quy định tổ chức thi vòng 1 trong tuyển dụng công chức. Như vậy, từ 17/9/2024 sẽ tiếp tục thực hiện tổ chức thi công chức theo 02 vòng thi (trước đó, tại Điều 12 Nghị định 06/2023/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức từ ngày 01/08/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định).

3. Sửa đổi quy định xác định người trúng tuyển

a) Tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 9 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: (1) Có kết quả điểm thi vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên; trường hợp thi kết hợp viết và phỏng vấn thì phải dự thi đủ cả 02 bài thi (viết và phỏng vấn) và có kết quả đạt từ 50% trở lên điểm tối đa của mỗi bài thi. (2) Có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm, kể cả đối với vị trí việc làm được tuyển dụng chung cho nhiều cơ quan sử dụng công chức khác nhau.

b) Nghị định 116/2024/NĐ-CP bổ sung quy định xác định người trúng tuyển có tổng số điểm bằng nhau thì xác định theo thứ tự ưu tiên, gồm: Người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn; Người có số điểm của bài thi viết ở vòng 2 cao hơn trong trường hợp lựa chọn hình thức kết hợp viết và phỏng vấn; Người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức và được miễn thi vòng 1; Người có kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức cao hơn trong trường hợp cùng được miễn thi vòng 1; Người có số câu trả lời đúng môn kiến thức chung ở vòng 1 nhiều hơn trong trường hợp cùng dự thi vòng 1. Trường hợp vẫn chưa xác định được người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên quy định tại khoản này thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển.

c) Đối với vị trí việc làm được tuyển dụng chung cho nhiều cơ quan sử dụng công chức khác nhau thì việc xác định cơ quan sử dụng công chức trúng tuyển thực hiện theo thứ tự ưu tiên lựa chọn trong Phiếu đăng ký dự tuyển của người trúng tuyển. Trường hợp số người trúng tuyển cùng đăng ký tuyển dụng vào một cơ quan sử dụng công chức nhiều hơn số chỉ tiêu tuyển dụng của cơ quan sử dụng công chức đó thì ưu tiên lựa chọn người có kết quả tuyển dụng cao hơn. Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả tuyển dụng bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của cơ quan sử dụng công chức đó thì lựa chọn theo thứ tự ưu tiên nêu trên.

4. Quy định chi tiết các trường hợp xét nâng ngạch công chức

Tại khoản 20, khoản 21 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 31 Nghị định 138/2020/NĐ-CP các trường hợp được xét nâng ngạch công chức được sửa đổi như sau:

a) Xét nâng ngạch khi có thành tích trong hoạt động công vụ

- Xét nâng ngạch từ nhân viên hoặc tương đương lên cán sự hoặc tương đương; từ ngạch cán sự hoặc tương đương lên chuyên viên hoặc tương đương khi đáp ứng một trong các điều kiện: được tặng bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên do có thành tích trong công tác và được đánh giá xếp loại chất lượng HTTNV trở lên trong năm liền kề trước năm xét nâng ngạch. Có 03 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá xếp loại HTTNV trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm HTSXNV.

- Xét nâng ngạch từ chuyên viên hoặc tương đương lên chuyên viên chính hoặc tương đương khi đáp ứng một trong các điều kiện: được tặng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên và được đánh giá HTTNV trở lên trong năm liền kề trước năm xét nâng ngạch. Được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và có 03 năm liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá xếp loại HTTNV trở lên. Được tặng danh hiệu CSTĐ bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên và có 03 năm công tác liền kề trước năm xét nâng ngạch được đánh giá xếp loại HTTNV trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm HTSXNV.

- Xét nâng ngạch từ chuyên viên chính hoặc tương đương lên chuyên viên cao cấp hoặc tương đương khi đáp ứng một trong các điều kiện: được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì trở lên và có 03 năm liền kề được đánh giá HTTNV trở lên trong đó có ít nhất 01 năm HTXSNV. Được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

b) Xét nâng ngạch khi được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

- Xét nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp hoặc tương đương (đối với cấp tỉnh) khi được bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh Giám đốc sở và tương đương trở lên thuộc UBND cấp tỉnh.

- Xét nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc tương đương (đối với cấp tỉnh) khi được bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh Phó Giám đốc sở và tương đương trở lên thuộc UBND cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện và tương đương.

5. Sửa đổi quy định về bổ nhiệm lại

Tại khoản 27 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi khoản 2 Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định: Công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành (Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành).

6. Bãi bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Tại Điều 2 Nghị định 116/2024/NĐ-CP quy định bãi bỏ Điều 12 và khoản 2 Điều 13 Nghị định 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Ngoài ra, Nghị định số 116/2024/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức, cách xếp lương đối với công chức đã có thời gian hợp đồng lao động trước khi được tuyển dụng, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý, tạm đình chỉ công tác đối với công chức… 

 

THÔNG BÁO